Ngày càng có nhiều công ty yêu cầu người ứng tuyển đưa ra mức lương mong đợi của mình trong các cuộc phỏng vấn, thay vì trực tiếp đưa ra con số lương. Điều này đã khiến nhiều sinh viên vừa tốt nghiệp mới gia nhập xã hội gặp khó khăn: mong muốn lương quá cao, người phỏng vấn sẽ cảm thấy rằng họ quá kiêu ngạo, nhưng nếu thấp quá thì lại sợ mình phải chịu thiệt.
Vì vậy, họ không có lựa chọn nào khác ngoài việc giảm mức lương mong muốn để tăng khả năng phỏng vấn thành công. Không thể đánh giá chính xác giá trị của bản thân là một vấn đề phổ biến đối với nhiều người hiện nay. Điều này sẽ trực tiếp dẫn đến việc mức lương bạn nhận được không phù hợp với giá trị của bạn, hoặc trở thành một lao động giá rẻ cho công ty.
Người phương Đông trước giờ luôn xem khiêm tốn, không màng danh lợi là một mỹ đức, họ ngại ngùng khi nhắc tới vấn đề tiền bạc. Làm thế nào để nhận được mức lương phù hợp với giá trị của mình vừa không bị cho là kiêu ngạo? Hãy lắng nghe bài diễn thuyết TED của nhà tư vấn giá đến từ Hoa Kỳ, Casey Brown: cách xác định giá trị của bản thân và cách truyền tải giá trị đó, hy vọng sẽ mang lại cho bạn một nguồn cảm hứng mới trên con đường theo đuổi giá trị bản thân!
Không ai trả lương cho bạn theo giá trị thực của bạn. Họ sẽ chỉ định giá bạn dựa trên đánh giá của họ về giá trị của bạn.
Có thể bạn không thể kiểm soát số tiền mà người khác trả cho bạn, nhưng bạn có thể tác động lên phán đoán của họ về giá trị của bạn.
Casey đưa ra một công thức phân tích về số tiền lương mà bạn xứng đáng được trả:
Năng lực kiếm tiền = định nghĩa về giá trị bản thân + cách truyền đạt giá trị bản thân
Nói cách khác, biết chính xác giá trị của bạn đồng thời dùng một phương thức thích hợp thể hiện giá trị đó ra cho nhà tuyển dụng là chìa khóa để bạn giành cho mình phần thưởng xứng đáng tại nơi làm việc.
Nhưng, biết được giá trị của bản thân là việc không hề dễ dàng.
So với những người tỏ ra kiêu ngạo thì số người có khuynh hướng khiêm tốn quá mức lại nhiều hơn. Họ thường không thích nói về giá trị của bản thân:
"Tôi không thích mèo khen mèo dài đuôi", "Tôi muốn dùng thành tích để nói chuyện", "giá trị không dùng lời nói mà là dùng hành động"...
Casey tin rằng chính những khác biệt về nhận thức này đã khiến những người này kiếm được tiền lương ít hơn 20% so với những người khác.
Casey đưa ra một ví dụ minh họa chứng minh làm rõ giá trị bản thân có thể giúp cải thiện mức lương:
Một năm sau khi công ty của cô được thành lập, Casey thấy rằng mức thu phí của cô quá thấp và muốn định lại báo giá. Vì vậy, cô đã tự hỏi mình một số câu hỏi liên quan tới giá trị:
Khách hàng của tôi cần gì? Làm thế nào tôi có thể giúp họ đạt được nó?
Đối với khách hàng, sự khác biệt của tôi so với những người khác là gì?
Dịch vụ nào tôi cung cấp là độc nhất vô nhị? Những vấn đề tôi đã giải quyết cho khách hàng của tôi là gì? Tôi đã góp phần tăng thêm bao nhiêu giá trị cho công ty của khách hàng?
Cuối cùng, Casey kết luận rằng mức thu phí của cô cần được tăng lên gấp đôi.
Tuy nhiên, ngay cả là một chuyên gia trong lĩnh vực định giá, Casey vẫn luôn bất an và thậm chí bắt đầu nghi ngờ chính mình: Tôi rốt cuộc có đáng ngần ấy tiền?
Casey cuối cùng đã thuyết phục được bản thân bởi cô ấy biết rằng mình đáng giá ngần ấy.
Vì vậy, khi thời cơ chín muồi, cô kiên quyết tăng giá, và công ty thậm chí đã giành được những hợp đồng lớn hơn.
Trong quá trình tự đánh giá bản thân, sợ hãi và không tự tin là điều hết sức bình thường.
Nhưng nỗi sợ và sự thiếu tự tin sẽ chẳng giúp cải thiện mức lương của bạn. Dùng lý trí phân tích điểm mạnh của mình, bạn mới có đủ sức mạnh đưa ra giá cả của mình.
Ngoài ra, làm thế nào để thể hiện ra giá trị của riêng bạn cũng quan trọng không kém.
Casey lấy một ví dụ:
Một nữ doanh nhân điều hành một công ty phát triển website tương đối thành công với một lượng kha khá nhân viên. Trong những năm đầu kinh doanh, cô luôn nói rằng mình có một "công ty thiết kế website khá nhỏ".
Cách nói này của cô khiến khách hàng tiềm năng và cả khách hàng hiện tại đều coi thường công ty của cô, bao gồm cả bản thân cô.
Điều này rõ ràng ảnh hưởng đến khả năng kiếm được phần thưởng mà cô ấy xứng đáng nhận được. Lời nói của cô cho thấy ngay cả bản thân cô ấy cũng không tin rằng mình đã tạo ra những giá trị lớn ra sao cho khách hàng của mình.
Vì vậy, cô bắt đầu học cách truyền đạt giá trị cho khách hàng và thay đổi phương thức nói chuyện.
Cô không còn nói rằng mình có một công ty thiết kế trang web nhỏ nữa, đồng thời cũng tỏ ra tự tin hơn khi đàm phán với khách hàng.
Hiện tại, chi phí thiết kế website của cô đã tăng gấp ba lần so với ban đầu, và sự nghiệp của cô đang ngày một đi lên.
Vì vậy, nói năng cũng là một nghệ thuật. Không thể vì sợ kiêu ngạo mà tự coi nhẹ mình, một người thậm chí không nhận ra được giá trị của mình thì sao lại mong người khác trả tiền cho bạn?
Đừng cảm thấy rằng nói về tiền lương là đang tự đánh trống tự thổi kèn, bởi vì đó là những gì bạn xứng đáng được nhận.
Hãy đứng từ quan điểm của đối phương để suy nghĩ về công việc của bạn, chuyên tâm vào các dịch vụ và giá trị gia tăng mà bạn cung cấp cho họ và bạn sẽ không cảm thấy như mình đang khoe khoang khoác lác.
Có thể được đánh giá một cách chính xác là điều vô cùng quan trọng. Nó không chỉ ảnh hưởng đến tiền bạc mà quan trọng hơn, nó còn ảnh hưởng đến lòng tự trọng và sự tự tin của bạn.
Thử tưởng tượng khi bạn trở nên tự tin hơn, nói về giá trị của mình một cách hùng hồn hơn, liệu mức lương của bạn khi đó vẫn sẽ chỉ ở mức 7 con số thôi ư?
Con đường việc làm còn rất dài và luôn đầy rẫy những khó khăn và thử thách.
Nhưng nếu chúng ta vượt qua chính mình, thì những khó khăn này sẽ chẳng còn là khó khăn nữa.
Có câu: biết người biết ta, trăm trận trăm thắng.
Biết người không khó, biết mình mới khó hơn, nhưng tôi tin rằng bạn hoàn toàn có thể tìm thấy được bạn ở một phiên bản tốt hơn trong công việc.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét